Sau 2 chuyến công tác rà soát, đánh giá nhu cầu và năng lực thể chế trong quản lý nước thải tại 4 tỉnh thời gian qua, trong khuôn khổ dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải, tư vấn hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới đã tổ chức khoa đào tạo ưu tiên cho 4 thành phố Đồng Hới, Quy Nhơn, Nha Trang, Phan Rang – Tháp Chàm từ ngày 13 – 14/12/2018 tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định.
Tham dự khóa đào tạo là các lãnh đạo, đại diện đến từ Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân thành phố - đơn vị sở hữu tài sản dự án, các Sở Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban nhân dân các phường địa bàn dự án, các công ty vận hành, quản lý nhà máy xử lý nước thải và Ban dịch vụ công ích các tỉnh.
Sau 02 ngày tập huấn, các học viên từ 4 tỉnh đã được trao đổi, học tập về các nội dung: khái niệm về hợp tác công tư PPP, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân vào công tác quản lý vận hành thoát nước; quản lý và lập kế hoạch vận hành và bảo trì; cách lập mô hình giá dịch vụ nước thải; kinh nghiệm từ các thành phố về quản lý bùn bể tự hoại và nước thải.
Riêng dự án Môi trường bền vững các thành phố duyên hải – Tiểu dự án thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, từ kinh nghiệm của Khánh Hòa và Bình Định, Ngân hàng Thế giới khuyến nghị việc thành lập Ban Quản lý dịch vụ công ích trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Phan Rang – Tháp Chàm và thực hiện việc thu giá dịch vụ nước thải thay cho phí bảo vệ môi trường từ 2018 theo lộ trình đã cam kết với Ngân hàng Thế giới.
Cuối buổi đào tạo, Đoàn Ngân hàng Thế giới và thành phần tham dự cũng đã được tham quan thực địa tại Bãi rác Long Mỹ, Hồ Bầu Sen, Nhà máy xử lý nước thải Nhơn Bình – một trong những công trình được xây dựng hoàn thiện từ dự án Vệ sinh môi trường các thành phố duyên hải giai đoạn 1.